Tuesday, June 12, 2012

Thằng "Quách Què" - Kha Tiệm Ly



Ban đầu người ta chỉ gọi nó là “thằng Què”, bởi một chân của nó ốm tong teo như một nhánh tre, chỗ gối và bàn chân của nó co rúm lại, so với chân kia nó ngắn hơn gần chừng gang tay! Khi đi, cái chân teo của nó tựa vào đất bằng năm ngón khẳng khiu, lấy đà để chân kia phóng tới! Què là vậy! Nhưng từ khi người xóm đó xem phim Bao Thanh Thiên xử án thái giám Quách Hòe thì có nhiều người gọi đùa nó là “Quách Què”. Trở thành thói quen. Lối gọi nầy có tính cách đùa thôi, nhưng thiệt ác!
          
Cũng từ đó, cái họ của tên công công từng làm điêu đứng nội cung triều đình nhà Tống một thời, và cái tên của nó ghép lại: “Quách Què”, đã biến nó thành... họ hàng của tên thái giám lộng hành xa xưa: Quách Hòe.

Nó cùng cha mẹ nó về ở Xóm Rác nầy cũng khá lâu, lúc nó mới biết bò. Cha mẹ nó nhờ bãi rác mà sống như nhiều người khác. Khi nó “lớn rồi” - theo nhận định của cha mẹ nó, nó cũng phải giúp cha mẹ nó “làm ăn” - cũng theo ý nghĩ của cha mẹ nó: Bươi rác!

 Nhưng với tấm thân khẳng khiu, cân không ngoài hai mươi ký, tương đương với mớ nilon, ve chai, sắt vụn mà cả ba người kiếm được hàng ngày nó cũng không giúp hơn gì được bao nhiêu.

“Cái khó ló cái khôn”. Một hôm thằng cha nó nghĩ, tại sao không lợi dụng tấm thân như bộ xương, cùng cái chân què và nhất là cái tuổi thiếu niên của nó để đập vào lòng trắc ẩn của mọi người mà đi ăn mày chứ?

 Nghĩ là làm. Cha nó bèn trang bị “đồ nghề”cho nó liền. Nhưng ăn mày - nhất là trẻ con, cần gì trang bị? Quần áo tả tơi: Dư thừa. Còn nếu chỉ ở trần thì nó... có sẵn! Còn hình thù dơ dáy, nhớp nhúa nhất định nó chẳng thua ai! Vậy, chỉ cần cho nó thêm phần “kiến thức” mà thôi! Nghề nào cũng vậy, thời buổi nầy mà! Không có “kiến thức” là thua! Vốn là kẻ bất lương từ khi còn tuổi Ten, cha thằng Què chẳng khó khăn “dạy nghề” cho nó. Hắn bảo:

- Khi chìa tay ra xin tiền, mầy phải nói sao cho thê thảm đó nghe chưa? Nói như vầy, lạy ông, lạy bà hay cô chú anh chị gì đó, cho con xin hai đồng ăn cơm!

- Hai đồng chỉ mua được cục kẹo hè!

- Đồ ngu! Mầy nói xin hai trăm đồng, ai cho hai đồng? Xin ít, người ta nói mầy thật thà, nghe chưa? Nói thử tao coi!

Thằng Quách Què lập lại những gì cha nó vừa dạy. Thằng cha nó hét:

- Chưa được! Làm lại!... Ờ, ờ! được rồi đó! Mà còn cái nầy nữa, thấy ai đang ăn uống, mầy lại đó xin trước, họ không cho mầy đứng đó gãi gãi đầu nghe chưa?”

- Chi vậy?

- Ngu nữa, hãy làm cho họ ghê, họ sợ. Bụi bậm trên đầu mầy rớt xuống họ thấy gớm nên cho mầy lẹ lẹ để tống mầy đi cho khuất mắt, hiểu chưa?

Ngừng một lát thằng cha nó tiếp:

- Còn ở công viên hễ mầy thấy cặp nào đang ôm nhau mùi mẫn, thì cứ lại xin. Không cho, mầy cứ đứng đó hoài, nó muốn đuổi mầy thì phải cho. Mánh nầy xộp lắm à nghen. Nhớ đó!

- Nhưng rủi họ quýnh tui thì sao?”

- Lại ngu nữa! Trời ơi, cái thằng nầy giống ai ngu quá! Đánh mầy để mang họa hả? Mà nếu bị đánh thì càng tốt! Mầy cứ nằm đó giả đò xỉu cho tao. Nhớ trào bọt mép ra nghe hôn. Mầy làm vậy thì ông cố nội nó cũng sợ chứ nói gì nó.

“Ngày ra quân” đầu tiên, kết quả thật bất ngờ, thằng Què đem về số tiền gấp mười lần cha má nó thu nhập! Thằng cha nó mừng rơn:

- Hà! Hà! Thằng nầy tính đâu có thua ai? Còn hôn đó mậy? Giấu là chết nghen con!
Tiếng “con” từ miệng thằng cha nó được kéo dài ra, không hề mang ý nghĩa trìu mến như bao cha mẹ yêu thương núm ruột mình. Trái lại còn mang giọng điệu đe dọa, hăm he, ác độc.

Trong đời, cái thiện có nhiều mà cái ác cũng không hề thiếu, dù ở đâu và bất cứ nơi nào! Có người vì con, tất cả vì con, chịu hy sinh cả cuộc đời mình cho con. Ngược lại, không ít kẻ xem con như của nợ, đày đọa chúng để kiếm tiền. Thậm chí có kẻ còn... bán cả trinh tiết con mình để lấy tiền bạc bài, nhậu nhẹt, phung phí,... Thằng cha và con mẹ của thằng Què là biểu trưng cho trường phái ác. Nếu nói theo ngôn ngữ võ hiệp của Kim Dung thì cái ác của chúng cũng đáng vào hàng “Độc ác chí tôn”.

Cha thằng Què ra lệnh:

- Nè! ngày đầu mà mầy được hai trăm ngàn. Vậy tao ra chỉ tiêu cho mầy: Hai trăm năm chục ngàn mỗi ngày! Thiếu, tao đánh cho gãy cái chân còn lại cho mầy lết luôn. Còn hơn, cũng phải đem về đủ cho tao. Nghe chưa?

Cha thằng “Quách Què” không ngờ thằng con dốt nát, què quặt của hắn ta ngày nào, giờ đột nhiên thành cái máy in tiền! Đã là “máy in tiền” thì lương tháng của những người lương thiện tốt nghiệp đại học cũng phải chào thua! Một thực tế hiển nhiên.

Và nếu là máy móc thì cần phải bôi trơn, chăm sóc đủ mọi khía cạnh mới mong sử dụng được lâu bền và tạo được năng suất cao. Đàng nầy, cái máy in tiền mang nhãn hiệu “Quách Què” thì ngược lại. Càng bỏ phế, càng vùi dập thì năng suất càng lên. Nó nghịch lý như những người có học vị cao, có chức danh lớn  mà có đạo đức, thì luôn nhận đồng lương ít hơn rất nhiều so với đồng tiền mánh mung của giới lưu manh thất học hơn, địa vị kém hơn!

Ở cái xã hội đỉnh cao trí tuệ nầy sao mà có nhiều điều khó hiểu như vậy? Và chính vì sự khó hiểu ấy nó mới sản sinh ra những điều bất thường mà kẻ bình thường nếu biết được, không thể chẳng kinh hoàng.

Thằng cha của thằng Què biết chắc mẩm như vậy, nên nó tận dụng thằng Què đến mức tối đa. Chiều hôm đó khi thằng Què sắp sửa ra đi thì hắn dặn:

- Nè! Mầy hãy tận dụng cái thân xác què quặt, còm cõi của mầy mà kêu rên dữ dội lên nghen!

Rõ ràng chỉ có loài yêu quái mới nghĩ ra những chước quỷ mưu ma. Kết quả càng bất ngờ hơn, bữa đó thằng Què về, nó thảy lên bàn gần ba trăm ngàn đồng. Nó khoe, số tiền ấy nó kiếm “có một chút”. Số tiền đó sánh bằng cả ba ngày rưỡi tiền lương thợ hồ đội nắng, leo cao! Thằng cha nó ngày càng có nhiều kinh nghiệm hút xương máu nó hơn. Hắn thấu hiểu, nắm lấy lòng nhân đạo, và tâm lý của con người, dạy nó áp dụng chiến thuật đúng nơi, đúng lúc.

Đi ăn xin, thằng Què hết lời than van và nước mắt lúc nào cũng ràn rụa như chực chờ cuốn trôi những nhớp nhúa trên mặt nó, đi kèm với sự nhai đi nhai lại bài bản cũ xì, nhưng vẫn mới tinh với những ai mới gặp nó lần đầu...

Nếu thằng cha nó là một tên đạo diễn có tầm cỡ thì nó cũng xứng đáng là một thằng diễn viên xuất sắc! Các diễn viên chuyên nghiệp khó ai khóc bằng nước mắt thật của mình, phần lớn họ khóc bằng ... xảo thuật! Còn nó, không biết từ đâu mà nước mắt cứ rớt xuống dài dài! Điều đó chẳng ai biết. Có điều lòng nhân, niềm tin của con người đã bị cha con nó hè nhau đánh cướp một cách phũ phàng. Cay cú nhất là bị đánh một cách tự nguyện, bị đánh giữa thanh thiên bạch nhật mà kẻ thủ ác, sau thành quả đểu cáng lại thích chí, đắc ý cười vang!                 Đâu đó người ta nói: “Tiền là tiên, tiền là Phật, tiền là sức bật của con người, tiền là,... tiền là,...” Còn người xưa thì bảo: “Có tiền mua tiên cũng được.”

Nhưng cỡ bọn  thằng cha, con mẹ của thằng Què dù đã đồng tiền rủng rỉnh, nhưng sức mấy mà chúng mua được tiên! Có chăng là mua được thứ tượng bùn đất về thờ cúng hoặc mua vài chai bia rỉ rả... sớm hôm.

Trước kia, cha thằng Què thèm rượu đế nhỏ nước miếng cũng không có mà hửi. Bây giờ thì chê nào rượu đế pha cồn uống gắt, cháy cổ họng, nhấm sao vô? Khi nào cái “máy in tiền” còn hoạt động thì lo gì thiếu bia bọt, thiếu mồi?

Đôi khi hắn ta còn tiếc rẻ, phải chi hồi trước hắn sanh được năm ba đứa con què, thì giờ đây cuộc sống hắn vương giả gấp bao lần!

Nghĩ xong, hắn làm bài tính nhẩm: “Mỗi ngày một đứa xin được ít nhất hai trăm ngàn, năm đứa thành bạc triệu, một tháng,... một năm,...” Nghĩ rồi hắn thở dài hối tiếc, tại sao Trời chỉ cho hắn sinh có một thằng con què? Hắn nghĩ mãi, nghĩ mãi...

Một hôm, bừng con mắt dậy, người ta ngạc nhiên chẳng biết cha thằng Què, phù phép thế nào mà nhà hắn có cả năm, sáu trẻ em dị tật. Thằng Què trở thành đại ca của đám trẻ đáng thương đó. Nó láu cá hơn thấy rõ! Nó thường hay “dạy đời” và kể cho đám trẻ bất hạnh kia những “chiến công” của mình. Để mạnh lời nói, mỗi đầu câu nó đó bắt đầu hai tiếng Đ.M. cho oai! Dân dao búa chẳng thường bảo nhau: “Chửi thề cho mạnh câu văn” đó sao?

Thế là cha mẹ thằng Quách Què bắt đầu tiến hành ép buộc, đánh đập những đứa trẻ vô tội kia và biến chúng thành những đứa bé bụi đời, ăn mày và... cũng chính nhờ vào đó mà gia đình chúng trở nên khấm khá hơn.

Như một quy luật, hễ ai “lên đời” thì thường kèm theo “lên mặt” và hễ từ kẻ bần cùng trở nên sang giàu thì hay học làm sang, đổi thay giọng nói, tiếng cười, ăn mặc, phong cách... Những thứ ấy được kết hợp một cách ngô nghê, ngọng nghịu, biểu hiện rõ qua hành động, ngôn từ... của kẻ “trưởng giả học làm sang”.

Tất cả, tất cả những thứ đó dường như chủ nhân nó muốn mọi thứ trong mình đều mạnh dạn hơn, có “sức bật” hơn. Đặc biệt cha mẹ thằng Què thì lại thêm tính “nổ” hơn.

Từ những kẻ sống bằng nghề bươi rác, một kẻ bần cùng trong thế giới bần cùng nhất, trở nên có chút của ăn của để. Mẹ thằng Què bắt đầu học cách làm sang. Đầu tóc, móng tay chân bắt đầu “đổi thịt thay da”. Sự đổi thịt thay da bằng tiền bạc bất kỳ xuất phát từ nguồn gốc nào, cũng hay hơn thủ thuật từ những nhà thẩm mỹ chuyên nghiệp. Nhưng có cái mà cha mẹ thằng Què đành bó tay chịu trận, đó là bản chất. Cái bản chất mà trời đã định sẵn từ khi chúng còn là cái phôi trong lòng mẹ. Chúng không thay đổi được.

Lên theo đồng tiền kiếm được, những lần đi chợ sau nầy, mẹ thằng Què càng chảnh hơn, càng hách dịch hơn, cố làm ra kẻ ta đây người giàu sang từ trong trứng nước.

Một hôm, y thị đứng nơi hàng thịt, đang lựa chọn, đột nhiên phải khựng lại vì lời kêu van thống thiết:
                      - Lạy cô... làm ơn cho cháu hai đồng mua cơm ăn... Con đói quá cô... ơ..ơi!

Đang nói chuyện xôm trò ngon trớn với người bán thịt. Bị cắt ngang, “cô” lên cơn giận quay lại, bỗng giật mình, chưa hết ngỡ ngàng...

Như một phản xạ, thằng Què kêu to lên:

- Ủa má!

Tình huống xảy ra quá bất ngờ bị làm ê mặt giữa chợ, “cô” tím người, hỏi như hét:

- Mầy gọi ai vậy?

Thằng Què cười, khoe hai hàm răng vàng khè, đầy cợn cáu, xác định:

- Má chớ ai!

Má nó mất mặt, thị nghiến răng, thẳng tay quơ mạnh cái giỏ đập vào mặt nó:

- Ai là má mầy? Đồ khùng!

Nó té lăn, máu mũi trào ra trước đôi mắt hờ hững của người sanh ra nó. Một tay thằng Què bịn  mũi, tay kia nó chống đất cố lấy đà đứng lên, nhưng sụm xuống mấy lần. Cái chân què của nó không còn linh hoạt. Một người đi ngang thấy tội, xách nách nó dựng dậy rồi bỏ đi. Nó đứng một chân ngơ ngác nhìn má nó rồi đột nhiên phóng một chân nhảy đi.

Lần đầu tiên mọi người trong chợ thấy đôi mắt nó không còn láu cá như trước. Cũng đôi mắt ấy nhưng hôm nay sao mà ngơ ngác, thơ ngây, dại khờ như thế! Họ thật lòng xúc động! Vừa nhảy bằng một chân, thằng Què vừa nghĩ. trong đời nó, đâu chỉ lần đầu bị mẹ, cha nó đánh. Nhiều lần còn bị đánh thảm thương hơn mà nó có nghĩ ngợi gì đâu?

Hàng ngày nó đã lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm trên phố, nó đã từng chứng kiến không biết bao nhiêu trẻ khác bị đòn. Nhưng tất cả, chẳng đứa nào bị đánh vì tội gọi người sinh ra mình bằng mẹ bao giờ!

Nó băn khoăn, thắc mắc. Nhưng với đầu óc vừa đần độn vừa non dại nó làm sao hiểu được tình huống thâm sâu của sự việc vừa xảy ra.

Nó phóng nhanh qua đường, ngay lúc chiếc xe du lịch vừa lao tới. Thằng Què hốt hoảng, nhưng đã muộn. Cả người nó chạm vào xe, người nó bị hất tung ra, ngã xuống, sọ đầu đập vào mặt đường. Chết tốt!

Mọi người ầm ĩ thét lên. Chiếc xe dừng lại. Người tài xế vội vàng bước xuống, bàng hoàng. Đưa hai tay ra như phân trần. Vài ba người trong đám bu quanh khẳng định:

- Thằng què nầy nó nhảy đụng vào  xe người ta văng ra, đập đầu xuống đường mà chết, chứ đâu phải xe ông nầy đụng nó!


-Kha Tiệm Ly-

Tìm kiếm bài viết

Được Xem Nhiều